Fubon ETF trở thành quỹ ETF quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam sau nhiều lần huy động vốn
Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Tại ngày 24/3, danh mục cổ phiếu chiếm đến 99 % NAV trong đó top 10 khoản đầu tư lớn nhất lần lượt là VHM, VIC, VNM, HPG, MSN, VCB, VRE, SSI, VJC, SAB.
Thời gian gần đây, Fubon ETF đang trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam khi là một trong những quỹ ngoại giao dịch tích cực nhất thị trường.
Tính từ khi bắt đầu gọi vốn bổ sung đợt 5 (ngày 15/3), quỹ đã phát hành thêm tổng cộng 138,5 triệu chứng chỉ quỹ (ccq), tương đương số tiền giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam vào khoảng hơn 50 triệu USD.
Trong đợt huy động bổ sung lần này, Fubon ETF dự kiến phát hành thêm thêm 333,3 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương số tiền ước tính 5 tỷ TWD (~165 triệu USD). Như vậy, Fubon ETF sẽ còn phát hành thêm khoảng 194,8 triệu ccq, tương ứng gần 115 triệu USD (~2.700 tỷ đồng) có thể giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam trong thời gian tới.
Fubon ETF bắt đầu rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 3/2021 và ngay lập tức hút vốn rất mạnh. Trong năm 2022, ETF này là “thỏi nam châm” hút khối ngoại bậc nhất thị trường với giá trị dòng tiền vào lên đến hơn 526 triệu USD (~12.300 tỷ đồng). Sau khi giải ngân hết đợt huy động lần thứ 4 hồi đầu năm, quỹ đã chững lại trong khoảng hơn 2 tháng trước khi hút vốn trở lại thời gian gần đây.
Việc liên tục hút vốn mạnh cũng góp phần đẩy quy mô danh mục của Fubon ETF nở ra nhanh chóng. Tính đến hết ngày 24/3, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ đã tăng lên mức 23,64 tỷ TWD (~780 triệu USD) qua đó trở thành ETF có quy mô lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Tại ngày 24/3, danh mục cổ phiếu chiếm đến 99 % NAV trong đó top 10 khoản đầu tư lớn nhất lần lượt là VHM, VIC, VNM, HPG, MSN, VCB, VRE, SSI, VJC, SAB.
Trước đó, vị trí số 1 về quy mô trong nhóm ETF tại thị trường chứng khoán Việt Nam từng có thời gian dài thuộc về DCVFM VNDiamond ETF. Thời đỉnh cao, NAV của quỹ có thời điểm còn vượt 20.000 tỷ đồng (~850 triệu USD). Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu tỷ trọng lớn trong danh mục mất phong độ đã khiến ETF này khó hút tiền và quy mô cũng bị thu hẹp đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, NAV của quỹ chỉ còn khoảng 18.200 tỷ đồng (~772 triệu USD).
Những năm gần đây, các ETF đang dần trở thành xu hướng và ngày càng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đáng kể tới thị trường. Ngoài 2 cái tên kể trên, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có 5 ETF quy mô trên 100 triệu USD gồm iShares MSCI Frontier and Select EM ETF, VNM ETF, DCVFM VN30 ETF, FTSE Vietnam ETF và SSIAM VNFinLead ETF.
iShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ chuyên đầu tư vào khu vực mới nổi, cận biên hiện có quy mô khoảng 686 triệu USD. Tuy nhiên, quỹ này chỉ đầu tư khoảng 30% danh mục vào thị trường Việt Nam trong đó những cổ phiếu hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất là VCB, HPG, VNM, VIC, VHM,… Trước đó, quỹ đã đổi chỉ số tham chiếu từ MSCI FM 100 Index sang MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index từ tháng 3/2021.
Tên tuổi lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam – VNM ETF cũng vừa hoàn tất cơ cấu danh mục sang chỉ số cơ sở mới là MarketVector Vietnam Local Index từ ngày 17/3. Quỹ hiện có NAV hơn 500 triệu USD với danh mục gồm toàn bộ cổ phiếu Việt Nam trong đó những cái tên có tỷ trọng lớn là VIC, VHM, VNM, HPG, VCB, MSN, SSI, VND,…
Ngoài các ETF lớn kể trên, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn nhiều quỹ ETF mới thành lập và quy mô còn khiêm tốn như IPAAM VN100 ETF, SSIAM VN30 ETF, KIM VNSelect ETF, DCVFM VNMidcap ETF, MAFM VNDiamond ETF … Các ETF này được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền tốt hơn trong thời gian tới nhờ danh mục đa dạng cũng như kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường của Việt Nam.
Nguồn: Báo Doanh nghiệp cuộc sống| link
Tham khảo Báo Điện tử Việt Nam của chúng tôi | Link