Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ “bùng nổ” từ năm 2024
Việt Nam như “ngôi sao đang lên” của thị trường chất bán dẫn toàn cầu. Hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất chip như FPT Semiconductor hay Viettel. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam vượt giá trị 6,17 tỷ USD. Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.
Cơ hội “vàng”
FPT sẽ đạt 1 tỷ USD từ thị trường toàn cầu trong năm 2023. Sẽ còn rất nhiều cơ hội mở ra khi DN công nghệ hàng đầu Việt Nam này đặt mục tiêu 5 tỷ USD trong 5 năm nữa.
Trong 3 chiến lược nổi bật của Tập đoàn giai đoạn hiện nay, ngoài Cung cấp giải pháp trong hệ sinh thái công nghệ AI, lĩnh vực Phần mềm kỹ thuật ô tô, không thể không nhắc đến lĩnh vực Chip bán dẫn.
Bản đồ Việt Nam được xếp từ nhiều con chip do FPT sản xuất
Nhu cầu thiết kế các chip bán dẫn vô cùng lớn, bởi những thiết bị công nghệ và phương tiện hiện nay đều cần. Phần thiết kế hiện đem lại doanh thu chiếm khoảng 60% trong cả nền công nghiệp bán dẫn. FPT hiện đang tập trung nguồn lực vào phần thiết kế nhằm đi sâu hơn vào ngành bán dẫn.
Dù mới ra nhập thị trường chip bán dẫn 1 năm, nhưng FPT Semiconductor đã liên tục nhận được đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Trong năm nay, công ty này sẽ ra mắt thêm 7 dòng chip mới. Đến năm 2024, sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT Platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, đeo tay, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.
Về cơ hội cho các DN Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, trao đổi với Sputnik, ông Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc FPT Semiconductor đánh giá, Việt Nam sẽ có những lợi thế khi tham gia vào thị trường chip bán dẫn. Nếu chỉ thiết kế ra những dòng chip chạy theo thị trường thì ở thời điểm hiện tại sẽ rất khó. Nhưng nếu đi vào đúng nhu cầu khách hàng, làm ra những gì họ cần thì Việt Nam sẽ có lợi thế nhất định.
Ông Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc FPT Semiconductor (Tập đoàn FPT)
“Cơ hội sẽ có nhiều mảng. Về sản phẩm, như FPT đang đi theo hướng là chip nguồn. Ngoài mảng chip nguồn, các công ty của Việt Nam có thể thể tham gia với lợi thế nhất định để phát triển. Ví dụ, dòng chip IoT Platform hiện tại chưa quá phát triển. Cơ hội đang đến khi 5G triển khai rộng rãi tại nhiều nước, các thiết bị IoT và các thiết bị nhà thông minh (Smart home Devices) phát triển nở rộ. Khi đó sẽ cần số lượng lớn về dòng chip để phục vụ nhu cầu này, với giá thành và chất lượng phù hợp. Ngoài ra, có các mảng khác liên quan đến logistics hay kho bãi, Việt Nam cũng có thể trở thành “hub” cho mảng này trên thế giới, thay thế Singapore hay Hongkong”, ông Quang cho hay.
Tập trung đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực
Cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Nhìn nhận thực tế, rào cản lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam hiện nay là việc thiếu hụt kỹ sư công nghệ thông tin.
Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, trong đó, riêng ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Thiếu hơn 80% nhân lực là sự thiếu hụt rất lớn. Đây rõ ràng là vấn đề cần giải quyết cấp bách. Bởi hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn.
Tuy nhiên, nhận định mặt bằng chung về chất lượng nhân sự kỹ thuật về bán dẫn, Giám đốc FPT Semiconductor Nguyễn Vinh Quang cho rằng, nhân lực Việt Nam không thua kém thế giới.
Riêng với FPT, trong năm 2023 ĐH FPT mở khoa Vi mạch bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt, dự kiến đón lứa sinh viên đầu tiên vào năm 2024.
“Cách làm của Đại học FPT là sẽ kết hợp các trường lớn trên thế giới để đưa chương trình kết hợp với Mỹ, Nhật, Đài Loan về giảng dạy ở Việt Nam. Đây là cách nhanh nhất để đưa chương trình đào tạo về bán dẫn chuẩn của thế giới về Việt Nam để sinh viên khi ra trường có được kiến thức giống như sinh viên các nước Mỹ, Nhật. Trong vòng 3 năm tới, Đại học FPT sẽ triển khai cả chương trình đào tạo hệ thạc sĩ”, Giám đốc FPT Semiconductor chia sẻ.
Với khoảng 10.000 nhân sự trong ngành này mà FPT đào tạo, 1/3 sẽ làm việc cho các công ty tại Việt Nam, 2/3 có chương trình riêng tại nước ngoài và có cơ hội ra nước ngoài làm việc.
Giải quyết được những trở ngại nêu trên, chúng ta sẽ từng bước thu hút được những tập đoàn công nghệ toàn cầu thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam và nổi lên như một trung tâm sản xuất chip bán dẫn hàng đầu khu vực.
Với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nếu được đào tạo có thể làm được con chip ngay ở trong nước, từng bước thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Từ đó, thiết lập chuỗi cung ứng tại đây. Và khi Việt Nam trở thành trung tâm chip của thế giới, công công việc chắc chắn sẽ nhiều. Nhưng đây sẽ là con đường giúp Việt Nam phồn vinh.
Nguồn: SPUTNIK | Liên kết
Tham khảo dịch vụ của SIA | Liên kết