Quảng Ninh: Điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp
Sản xuất tôm đông lạnh theo quy chuẩn xuất khẩu nước ngoài tại Công ty cổ phần Thủy sản BNA (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh)
Quảng Ninh đang trở thành một trong những điểm đến thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Minh chứng là từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã tiếp đón và làm việc với gần 100 lượt đoàn doanh nghiệp, trong đó 60 lượt đoàn đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp có thế mạnh về công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đã đầu tư vào Quảng Ninh.
Tiêu biểu như mới đây, tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Thị xã Quảng Yên), Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long và Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Nghiệp RENLI Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng cho thuê lại đất trên diện tích 2,9ha để triển khai dự án với vốn đầu tư 15 triệu USD dự kiến xây dựng ngay trong những tháng cuối năm 2023.
RENLI Việt Nam chuyên về rèn dập kim loại, sản xuất các sản phẩm từ plastic, dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 600 lao động và đi vào hoạt động từ cuối năm 2024, đầu năm 2025.
9 tháng năm 2023: Quảng Ninh thu hút 816,6 triệu USD vốn FDI
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại Khu Công nghiệp Sông Khoai (Thị xã Quảng Yên).
Cả 2 dự án đều được cấp Giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12h làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).
Ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Tập đoàn Foxconn.
Dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.755 tỷ đồng (tương đương 200,24 triệu USD) với mục tiêu hình thành một dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện.
Dự kiến tháng 1/2025, dự án sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất chính thức và sẽ mang lại việc làm thường xuyên cho khoảng gần 1.200 lao động.
Còn Dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1ha, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 46 triệu USD Mỹ) với mục tiêu sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông.
Dự kiến tháng 10/2024, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động và sử dụng trên 700 lao động. Dây chuyền công nghệ và máy móc, thiết bị của 2 dự án sử dụng hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đồng bộ có nguồn gốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam.
Cùng với những dự án trên, từ đầu năm 2023 đến thời điểm này, Quảng Ninh cũng là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình như 2 dự án thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, là dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Autoliv Việt Nam (nhà đầu tư đến từ Thụy Điển) đầu tư vào Khu Công nghiệp Sông Khoai có tổng mức đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ôtô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm và Dự án có mức vốn đầu tư 165 triệu USD của nhà đầu tư đến từ Đài Loan, sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành công nghiệp ôtô Boltun Việt Nam tại Khu Công nghiệp Bắc Tiền Phong.
Tính đến ngày 15/9/2023, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách của tỉnh Quảng Ninh đạt 45.372 tỷ đồng, tăng 5,5% so với kế hoạch, tăng 33,8% so với cùng kỳ; tổng vốn vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 853,93 triệu USD, đạt 85,4% chỉ tiêu Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân.
9 tháng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Quảng Ninh ước đạt hơn 816,6 triệu USD, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cao nhất cả nước.
Với những kết quả khả quan đạt được, tỉnh đang nỗ lực, quyết tâm thu hút thêm nhiều dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó, phấn đấu cả năm 2023 đạt ít nhất 1,5 tỷ USD vốn FDI, vượt 25% kế hoạch năm.
Để hoàn thành mục tiêu này, Quảng Ninh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tập trung xúc tiến đầu tư với các thị trường và đối tác truyền thống là các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, thành viên tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam.
Tỉnh tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch nhằm quảng bá tới các thị trường nhà đầu tư mới và nhóm nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư; đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư dự án thông qua các tổ công tác của tỉnh.
Nguồn: Vietnam+ | Liên kết
Tham khảo dịch vụ của SIA | Liên kết