Thương mại điện tử và e-logistics tại Việt Nam phát triển nhanh chóng

Thương mại điện tử và hậu cần điện tử (e-logistics) ở Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng trong 10 năm qua, đây cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh và năng động nhất trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử và hậu cần điện tử của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm chênh lệch thành thị – nông thôn, chưa đủ số hóa ngành hậu cần và các chính sách liên quan của chính phủ.

Theo Vietnam Investment Review, một báo cáo nghiên cứu của Ninja Van Logistics cho thấy từ năm 2012 đến năm 2021, thương mại điện tử và hậu cần điện tử ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, với tổng sản lượng hàng hóa (GMV) tăng từ 700 triệu USD năm 2012 lên 14 tỷ USD vào năm 2021. Báo cáo chia tăng trưởng thị trường Việt Nam thành hai giai đoạn, 2012-2017 và 2017-2021. Sự gia nhập của các thương hiệu nước ngoài là bước khởi đầu trong hai giai đoạn này.

Trong giai đoạn đầu, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có số lượng hàng hóa hạn chế, chất lượng kém, hỗ trợ hậu cần không đầy đủ. Phần lớn người bán là các sàn thương mại điện tử trong nước như Vatgia.com, Deca và người bán độc lập trên Facebook. Người tiêu dùng không đủ niềm tin vào thị trường thương mại điện tử nên hầu hết các phương thức thanh toán đều sử dụng tiền mặt khi nhận hàng (COD). Về mặt vận chuyển, chỉ có hai nhà cung cấp lớn là Bưu chính Việt Nam và Bưu chính Viettel dẫn đầu trong một thời gian khá dài. Trong giai đoạn này, thị phần của thương mại điện tử trong thị trường bán lẻ nói chung tăng từ 0,8% lên 1,2%, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 16%.

Trong giai đoạn 2, thị trường thương mại điện tử Việt Nam bước vào trạng thái phát triển mạnh mẽ, lượng đặt hàng và giao dịch từ các tỉnh thành liên tục tăng. Các nền tảng thương mại điện tử quốc tế bao gồm Lazada và Shopee cũng chính thức vào Việt Nam trong khoảng thời gian này,  vì thế chủng loại sản phẩm đã đa dạng hơn rất nhiều, số lượng các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần lớn cũng tăng từ 2 lên 10. Tổng thời gian giao hàng cho vận chuyển liên tỉnh có thể rút ngắn còn 3 ngày. Trong giai đoạn này, thị phần bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng từ 1,2% lên 7% và tốc độ tăng trưởng hàng năm đã tăng lên 56%.

Mặc dù giá cả của các sản phẩm thương mại điện tử Việt Nam ở giai đoạn này khá hợp lý đối với người tiêu dùng thành thị, nhưng chúng vẫn còn tương đối cao đối với hầu hết người tiêu dùng nông thôn hoặc ngoại thành. Về mặt hậu cần, mặc dù cơ sở hạ tầng và quy hoạch giao thông vận tải của Việt Nam vẫn đang được hoàn thiện nhưng ngành hậu cần và vận tải vẫn khó có thể đạt được những bước tiến đáng kể trong thời gian tới.

Nghiên cứu chỉ ra rằng hệ sinh thái thương mại điện tử và hậu cần điện tử của Việt Nam vẫn cần tiếp tục tiến hành quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Các nền tảng thương mại điện tử phải cải thiện chất lượng và hiệu quả dịch vụ ở các khu vực ngoài đô thị. Ngoài ra, các thương gia phải tiếp tục mở rộng nguồn hàng, các nhà khai thác hậu cần phải củng cố hệ thống kho bãi và nỗ lực rút ngắn thời gian giao hàng.

Nguồn thông tin: Digitimes | 殷家瑋 | Thông tin