Ngành điện Việt Nam và những điều bạn chưa biết
Chuỗi giá trị ngành điện Việt Nam
Hiện tại, ngành điện Việt Nam đang vận hành dựa trên nguyên tắc thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM – Vietnam Wholesale Electricity Market).
Các loại nhà máy sản xuất điện
Cơ cấu nguồn điện sản xuất Việt Nam 2022: Thủy điện chiếm (29%), Nhiệt điện than (32.5%), Điện khí (9.2%), Năng lượng tái tạo gồm Điện gió và Điện mặt trời (26.4%), Khác (Dầu, Biogas, Sinh khối,…) tầm 2.9%.
- Nhiệt điện than: Tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh,..). Đầu vào của nó là Than mua từ TKV và TCT Đông Bắc, bên cạnh đó từ năm 2015 phải nhập khẩu Than Newcastle – Úc và Than ICI3 – Indonesia. Theo quy hoạch điện VIII, Nhiệt điện than sẽ hạn chế mở mới giai đoạn sắp tới.
- Thủy điện: Tập trung ở 3 hệ thống sông chính là sông Đà, sông Sê San và sông Đồng Nai. Đầu vào phụ thuộc vào mùa và thủy văn, lượng nước các sông/hồ chứa; lợi thế của thủy điện là chi phí đầu vào là 0 đồng, nên mưa càng nhiều thì sản lượng càng nhiều. Hiện tại thì Thủy điện đang khó mở mới, do phụ thuộc vào vị trí sông ngòi, nhưng có thể cải thiện công suất bằng cải tạo, nâng cấp và mở rộng nhà máy.
- Nhiệt điện khí (Turbin khí): Tập trung ở khu vực phía Nam (Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau). Đầu vào, mua khí tự nhiên trực tiếp từ các mỏ của PV GAS, tương lai chuyển sang nhập khẩu khí LNG để sản xuất điện.
- Điện mặt trời: Tập trung khu vực miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa,…). Phân bổ không đồng đều, tập trung ở những nơi nhu cầu điện thấp, nên hay gây tình trạng quá tải và tắc nghẽn hệ thống điện. Công suất của điện mặt trời không ổn định, vì phụ thuộc vào thời gian nắng, cường độ nắng và thời tiết.
- Điện gió: Tập trung ở ven biển khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ (từ Bến Tre tới Cà Mau), Quảng Trị, Gia Lai,… Hiện tại thì điện gió chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu ngành điện, nguyên nhân cũng đến từ tính thiếu ổn định và cơ chế mua điện của EVN với các DN điện gió.
Bên bán buôn (Đơn vị phát điện)
Bên bán buôn gồm các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy có công suất trên 30 MW. Những đơn vị này sẽ sở hữu nhiều loại nhà máy sản xuất điện, có thể vừa sở hữu thủy điện, vừa sở hữu nhiệt điện, một vài cty còn sở hữu điện khí và NLTT. Các đơn vị phát điện gồm:
- Các cty thuộc Nhà nước: Genco 1, Genco 2, Genco 3 thuộc EVN; TKV Power trực thuộc Vinacomin, PV Power thuộc PVN. Chiếm 59% thị phần doanh nghiệp tham gia VWEM 2020.
- SMHP: Nhà máy Thủy điện chiến lược đa mục tiêu, phục vụ an ninh năng lượng quốc gia.(13%)
- BOT: Các nhà máy điện có vốn đầu tư của nước ngoài, đầu tư theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao. (7%)
- Các nhà máy điện tư nhân và độc lập (IPP), do các cty tư nhân/ cổ phần xây dựng, sau đó được cấp phép hòa lưới điện. (38%)
- Các nguồn điện nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Lào. (1-2%)
Số liệu Thị phần của doanh nghiệp tham gia thị trường VWEM 2020 lấy từ nguồn ERAV.
Bên trung gian và cung cấp dịch vụ
Các thành phần cung cấp dịch vụ trung gian gồm có:
- Nhóm xây dựng: tư vấn và xây nhà máy điện, xây dựng hệ thống và đường dây truyền tải.
- NPT (TCT Truyền tải điện): đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tải;
- NLDC (Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia): đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (SMO), hay còn gọi với tên khác là A0,SMO;
- MDMSP (Đơn vị thu thập và xử lý số liệu đo đếm);
- EPTC (TCT Mua bán điện): hiện tại đang mua điện từ bên bán và thị trường cạnh tranh VCGM, sau đó bán lại cho các PCs. Tương lai sẽ chuyển sang mua điện của các DN gián tiếp tham gia thị trường giao ngay (BOT, Nhập khẩu,..) và PCs có thể mua điện trực tiếp từ Thị trường điện giao ngay.
- SMO (NLDC – quản lý, dự kiến chuyển về Bộ Công Thương): vận hành thị trường điện cạnh tranh VCGM.
Bên mua (Phân phối)
Gồm 5 Tổng công ty Điện lực trực thuộc EVN, các khách hàng lớn đủ điều kiện và các đơn vị mua buôn điện mới.
Năm Tổng công ty Điện lực (PCs) này là: NPC (TCT ĐL miền Bắc), HNPC(TCT ĐL Hà Nội), CPC (TCT ĐL miền Trung), SPC (TCT ĐL miền Nam), HCMPC (TCT ĐL TP HCM).
Từ các PCs sẽ truyền tải điện xuống và hạ áp còn 220/380 V để bán cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Thị trường điện giao ngay (Spot Market)
Thị trường điện giao ngay vận hành năm 2012 cùng với đó là cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh VCGM, đến năm 2019 thì nâng cấp lên cơ chế thị trường bán buôn điện cạnh tranh VWEM, dự kiến tương lai sẽ phát triển lên cơ chế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh VREM.
Thị trường giao ngay áp dụng theo mô hình thị trường chào giá theo chi phí và cơ chế định giá đảm bảo cho nhà máy điện mới tốt nhất sẽ thu hồi được chi phí cố định và chi phí biến đổi khi tham gia thị trường điện.
Dự phóng doanh thu ngành điện như thế nào?
Muốn dự phóng được doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất điện và phát điện thì cần 2 yếu tố “Sản lượng” và “Giá bán điện”.
Sản lượng
- Thủy điện, để dự phóng được sản lượng thủy năng thì bạn cần 2 yếu tố: Thời tiết (xác định năm nay là El Nino hay La Nina thông qua chỉ số chu kỳ ENSO); Lượng nước ở hồ chứa, sông ngòi (Xem thông tin lượng nước hồ thủy điện chạy realtimes trên website EVN). Chi phí rẻ nhất nên sản xuất được bao nhiêu sẽ được ưu tiên mua hết.
- Nhiệt điện than, ngược lại với Thủy điện, năm nào mà El Nino, Thủy điện thiếu nước thì sẽ được ưu tiên chạy công suất cao hơn. Có thể tra công suất nhà máy trên website doanh nghiệp. Sản lượng than đầu vào và bảo trì cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng các nhà máy nhiệt điện năm đó.
- Nhiệt điện khí, tương tự nhiệt điện than. Theo quy hoạch điện VIII, sẽ có thêm sản xuất điện bằng khí hóa lỏng – LNG, nên cũng sẽ thêm yếu tố phụ thuộc vào đầu vào khí nhập khẩu từ Indonesia. Giá bán của Nhiệt điện than và Khí tương đương nhau (tùy theo năm, năm nào điện khí rẻ hơn thì mua điện khí nhiều, năm nào điện than rẻ hơn thì mua điện than nhiều). Nhưng tương lai khi các nhà máy điện than không được mở mới, cộng thêm yếu tố bảo vệ môi trường và chính sách thuế các-bon, thì điện khí LNG sẽ được ưu tiên tăng cường sản xuất nhiều hơn.
- Năng lượng tái tạo: gồm điện mặt trời và điện gió. Sản lượng cao nhưng thiếu ổn định do phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó, do còn mới nên các thủ tục hòa lưới điện và bán điện trên thị trường cạnh tranh còn gặp nhiều khó khăn. Việc chạy đua đầu tư NLTT giai đoạn 2019-2022, đã khiến cho hệ thống truyền tải điện quá tải và dư thừa điện. Điện mặt trời và điện gió sẽ ưu tiên cuối cùng, khi nào thiếu điện từ thủy điện, nhiệt điện, điện khí thì EVN mới ưu tiên mua.
Giá bán – Phụ thuộc vào hợp đồng mua bán điện
- Hợp đồng phân bổ (PPA): các nhà máy điện ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) dưới dạng Hợp đồng chênh lệch/ tương lai (CfD). Đầu năm, EVN sẽ tính toán và mua một lượng điện từ các nhà máy với giá cố định đã ký đầu năm là giá Pc với sản lượng Qc.
- Hợp đồng song phương: Bên bán và bên mua tự đàm phán, thống nhất về giá và sản lượng cam kết, ký kết hợp đồng song phương dưới dạng hợp đồng CfD. Có thể hiểu là nhà máy điện có thể đấu nối và bán trực tiếp cho các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, sau đó 2 bên tự thỏa thuận giá và sản lượng.
- Hợp đồng tập trung: Dùng cho các đơn vị tham gia chào bán hoặc chào mua trên Thị trường giao ngay. Ví dụ, như sau khi bán điện theo hợp đồng PPA cho EVN, mà nhà máy thủy điện vẫn còn dư sản lượng thì có thể mang lên đây bán với Giá FMP (giá thị trường điện toàn phần – hay giá CGM mà các report hay viết).
- Giá FMP/ Pm sẽ cao hơn hoặc thấp hơn giá Pc mà EVN chào mua đầu năm, tùy theo nhu cầu sản lượng điện của năm đó. Giá FMP phụ thuộc vào: nhu cầu điện trong năm đó, giá công suất đảm bảo nhà máy sx điện không lỗ, chi phí phụ tải,… Sau đó, lấy giá từ thấp lên cao, nếu mua cả thủy điện (900đ) và nhiệt điện than (1300đ) thì giá FMP sẽ chốt giá 1300đ, nhà máy thủy điện cũng sẽ hưởng mức giá 1300đ (chênh lệch 400đ). Vì vậy, trong giai đoạn El Nino này mà những nhà máy thủy điện vẫn sản xuất dư công suất thì sẽ hưởng mức biên chênh lệch cực lớn từ giá FMP. Giá FMP thì mình thường xem trên WiChart – giá điện theo tháng.
- Hợp đồng PPA nhưng giá FIT: riêng mảng Năng lượng tái tạo thì sẽ là cơ chế giá FIT (áp dụng với DN nào ký trước 31/12/2020), giá này sẽ cố định 20 năm. Còn DN nào hòa lưới điện sau giai đoạn này thì hưởng khung giá mới (thấp hơn 21-29% so với giá FIT).
- Hợp đồng bán lẻ (cước phí): đây là hợp đồng không nằm trong thị trường VWEM, ký kết giữa hộ gia đình, hộ kinh doanh,… với TCT Điện lực trong khu vực (PCs), giá này mọi người có thể tham khảo trên website EVN. Giá bán lẻ biến động có tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp; tác động gián tiếp đến lạm phát và giá hàng hóa.
Các yếu tố khác tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất điện
Khi phân tích doanh nghiệp ngành điện ta cần quan tâm thêm một số yếu tố có thể tác động lợi nhuận như sau”:
- Capex và Khấu hao nhà máy: DN nào hết khấu hao thì lợi nhuận sẽ tăng mạnh (do không phải trích chi phí khấu hao nữa).
- Vay nợ dài hạn: Để tài trợ cho việc xây dựng nhà máy điện, thì cần nguồn vốn lớn. Vì vậy, khi khoản mục này với các doanh nghiệp điện sẽ khá lớn, mỗi năm DN phải trích lợi nhuận trả nợ gốc và lãi vay. Khi khoản mục này về 0, doanh nghiệp không phải chịu chi phí lãi vay thì lúc đó sẽ dư dả tiền để chia cổ tức tiền mặt.
- Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ (LCTT): cho biết doanh nghiệp có đang nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng nhà máy mới không.
- Hàng tồn kho: đối với các DN điện than và điện khí thì biến động nguyên vật liệu có thể ảnh hưởng đến Biên lợi nhuận.
Triển vọng ngành điện – Lý do các tập đoàn lớn đầu tư vào mảng Điện
- Nhu cầu tăng trưởng theo thời gian. Trong đó, các thiết bị dùng điện ngày càng nhiều, công suất ngày càng cao như: xe ô tô điện, hệ thống máy chủ – data center, hạ tầng công nghệ – viễn thông, khu công nghiệp, thiết bị điện tử cá nhân, thiết bị nội thất,…
- Giá điện tăng trưởng dài hạn theo thời gian (trung bình 5-7%/ năm). Theo quyết định số 377/QĐ-EVN, ngày 4/5/2023 EVN đã quyết định tăng giá điện, sau 4 năm duy trì mặt bằng giá thấp.
- Giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá than, giá khí), giúp biên lợi nhuận nhóm Nhiệt điện tăng lên trong thời gian tới.
- Quy hoạch điện VIII, tiếp tục duy trì nguồn điện nền từ thủy điện, nhiệt điện than giá thấp. Đẩy mạnh phát triển điện gió và điện khí LNG, riêng đối với điện mặt trời sẽ không tăng sản lượng thu mua cho tới khi hạ tầng truyền tải được đồng bộ.
- Cơ chế thị trường điện cạnh tranh VCGM giúp các doanh nghiệp thủy điện, nhiệt điện hưởng biên chênh lệch lớn khi có thêm sự xuất hiện của điện tái tạo.
- Nhiều nhà máy Thủy điện, Nhiệt điện sắp kết thúc giai đoạn trả nợ và khấu hao, bước vào thời kỳ hái quả và nhận cổ tức tiền mặt.
- Dòng tiền ổn định từ cổ tức tiền mặt giúp các tập đoàn tái đầu tư vào các mảng khác.
- Mặt bằng lãi suất tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU,…duy trì mức thấp, trong khi đó lĩnh vực năng lượng mang lại dòng tiền cổ tức cao và ổn định, nên thu hút các tập đoàn lớn đầu tư.
- Đầu tư ngành điện giúp các tập đoàn công nghệ tự chủ nguồn điện cho hệ thống máy chủ và trung tâm dữ liệu, đây là cách mà Microsoft, Google,… đã làm từ 2019 đến nay.
Rủi ro và thực trạng ngành điện Việt Nam
- Năng lượng tái tạo Việt Nam 2021, trào lưu đầu tư NLTT có thể dẫn đến Bong bóng “Công nghệ sạch” xảy ra ở Mỹ năm 2009. Renixx – Chỉ số công nghiệp năng lượng tái tạo có dấu hiệu tạo đỉnh, hiện tại trên thế giới đang dư cung và kết thúc chu kỳ 10 năm đầu tư của ngành năng lượng.
- Điện mặt trời sẽ ngừng mở rộng từ năm 2023, do đã phát triển quá nhanh và hệ thống lưới điện truyền dẫn tại các vùng này đang quá tải.
- Giá FIT thấp + sản lượng mua thấp, làm cho các DN NLTT gánh chịu chi phí nợ lớn và kinh doanh thua lỗ trong những năm đầu.
- Điện khí LNG thì thân thiện môi trường nhưng chi phí cao hơn các loại điện khác, nên tương lai sẽ đẩy giá bán lẻ điện tăng.
- Phân bổ nguồn điện không đồng đều (miền Bắc tập trung Thủy điện + Nhiệt điện than; miền Trung điện mặt trời + điện gió, Tây Nguyên là thủy điện + điện mặt trời, miền Nam là điện khí + điện gió) dẫn đến vùng thì thiếu điện, vùng thì dư thừa điện.
Lời kết: Mặc dù ngành điện Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với chính sách hỗ trợ của nhà nước và nguồn tiền đầu tư của nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân, sẽ giúp cho nguồn năng lượng của nước ta ổn định, duy trì mức giá thấp nhằm phục vụ tốt cho việc sản xuất và phát triển kinh tế.
Với quy hoạch điện VIII, tập trung giải quyết vấn đề lưới điện hạ tầng, phát triển năng lượng tái tạo,… thì đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xây lắp điện, sản xuất điện gió, điện khí LNG, phát triển trong thời gian sắp tới.
Tham khảo các dịch vụ của SIA tại đây